NĂM MÙI NÓI CHUYỆN VỀ DÊ

                                                                                                       Lương y Nguyễn Kỳ Nam

                                                                                                                             Phó chủ tịch Hội Đông y – Hội Châm cứu

                                                                                                                                                      Tỉnh Cà Mau

       Năm  nay là năm Ất Mùi (ất Vị) Tuổi mùi là tuổi con Dê. Ngoài loại dê nhà tức loại gia súc, ở miền rừng núi còn có một giống dê rừng mang tên là Sơn Dương, sắc lông màu vàng sậm, còn dê nhà thì lông trắng, đen, hoặc trắng có đốm đen. Tiếng kêu của dê là ''be be he he ''. Đặc biệt của loài dê là dê đực hoặc dê cái đều có râu và có sừng,  Dê đực có sừng rỗng, Dê cái có vú và cho sữa. Một loại sữa đặc biệt ngon và bổ hơn hết. Người ta dùng sữa dê để làm phó mát., Thịt dê cũng là thức ăn ngon và bổ qua các món ăn nổi tiếng như Cari dê Ấn Độ, lẫu dê, dê tay cầm. dê bảy món, rượu tiết dê .

       Trong dân gian từ “Dê” luôn là đề tài có tính  trào lộng, qua truyền khẩu xin ghi lại một vài hiểu biết về danh từ Dê:

- Cọp dê” (copier). Khi học sinh ngồi cạnh nhau lén xem bài thi của bạn

- “Nhà quê, thấy cứt dê hô thuốc tễ'' là câu người dân thành thị tỏ ý chê bai người dân nông thôn.

- "Bán bò tậu ruộng mua dê về cày " Mỉa mai sinh hoạt hằng ngày, không biết tính toán. 

- "Cà kê dê ngỗng" ám chỉ người ăn không ngồi rồi, dài dòng, huyên thuyên chuyện vặt, vớ vẩn.

- "Giàu nuôi chó, khó nuôi dê, không nghề nuôi ngỗng" Chứng tỏ nuôi dê không tốn kém, không cần chuồng trại, các vùng núi chỉ cần thả dê sống trên núi đồi không tốn thực phẩm

- "Máu bò cũng như tiết dê" Người ta ăn tiết canh dê không ai ăn tiết canh bò, ám chỉ người không rõ ràng trong các vần đề.

- "Treo đầu dê bán thịt chó“  Chỉ người nói một nơi, làm một nẻo, gian lận trong việc làm ăn..

- "Dương chất hổ bì " Chất là chất dê, da là da cọp. Dùng bề ngoài loè loẹt, giả dối để lừa bịp che đậy thực chất xấu xa bên trong.

       Từ Dê còn ghép với nhiều từ nhiều  từ không đẹp để gán cho những người  sàm sỡ với phụ nữ đại loại như :
- Dê già, Dê cụ, Dê chúa: Chỉ già không nên nết, già mà còn chọc ghẹo gái, nổi tiếng nhất trong sách xưa có Ông Trượng dê  nàng Tiên Bửu chèo đò .

- Dê đạo lộ: Chỉ những người không đứng đắn  trêu chọc phụ nữ, một cách khiếm nhã và sỗ sàng :                        

                      Hỡi cô mặc áo yếm hồng
              Đi trong đám hội, có chồng hay chưa ?

  hay:            Cô kia, má đỏ hồng hồng
              Cô chưa lấy chồng còn chờ đợi ai ?

  hoặc :        Ngó lên mây trắng, mây xanh
              Ưng ai cũng vậy, ưng anh cho rồi!

- Dê xồm : Những ông già có bộ râu cạnh hàm dưới, giống hệt như râu dê, mà tính tình hay ve vãn với phụ nữ, nên bị phỉ báng :
               Dê xồm ăn trái khổ qua
          Ăn nhằm đậu đũa, chết cha dê xồm !                                                                                                    
        

     Nhân vật Bùi Kiệm trong Lục Vân Tiên mà Đồ Chiểu đã tả :
               Con người Bùi Kiệm máu dê
          Ngồi trơ bộ mặt, như dề thịt trâu.

Con Dê trong thơ ca :

      Ai sinh vào năm dê đều mang tuổi Mùi. Đây là hình ảnh một chú dê:
                               Tuổi Mùi là con dê chà
                        Có sừng, có gạc, râu ra um sùm.   
(Vè 12 con giáp)
      Người ta ăn thịt dê quanh năm, nhưng tết đến, món dê cũng được chọn là một thực đơn quí.   

                             Năm Ngọ, mã đáo thành công
                        Năm Mùi, dê béo, rượu nồng phủ phê     
(Vè miền quê)

   Thói dê của người  tình ái lung tung bị người đời nguyền rủa khá nặng nề.
                        Phụng hoàng đậu nhánh sa kê

                        Ông thần không vật mấy thằng dê cho rồi.   (Ca dao)

     Trong các trò chơi dân gian có trò chơi "bịt mắt bắt dê" hào hứng, sôi nổi. đối với các cô cậu thanh niên, thiếu nữ là một dịp để tiếp cận đụng chạm vui đùa với nhau.
                        Giả vờ bịt mắt bắt dê

                        Để cho cô cậu dễ bề... với nhau     (Vè).

Tại sao gọi Dê là thầy là sư phụ ? 

      Chuyện gọi Dê đực là Thầy hay là Sư phụ chỉ có tính cách nửa đùa, nửa thật, vừa bái phục mà cũng vừa ngạo nghễ, bởi vì sáng sớm chủ nông trại vừa mở cửa cổng, thì dê đực xông ra trước án ngữ lối đi, dê cái nào muốn bước qua, phải để cho dê đực thỏa mãn tình dục. Đến khi chiều về thì cũng phải như vậy. Chứng tỏ dê đực có sức khỏe phi thường. Cũng vì vậy mà dân ta thường hay Dê là Thầy là Sư phụ ! Nhà có tiệc mà đãi thịt dê, thì chủ nhà nói ăn thịt Sư phụ.

Nguyên nhân nào số 35 lại liên quan đến con Dê ? 

      Trước năm 1975, ở Sài Gòn - Chợ Lớn, có hai chỗ đánh bạc rất nổi tiếng, đó là các sòng Kim Chung và  Đại Thế Giới. Trong số các trò chơi cờ bạc đó, có một trò gọi là xổ số đề, tức là xổ các cặp số đã được đề trên các tấm vé. Mỗi vé có hai con số, từ 00 đến 99. Khi bán hết một đợt vé mỗi vé giá 1 đồng thì thu được 100 đồng người ta lại "xổ", tức bắt thăm xem vé nào trúng. Nếu trúng thì ăn bảy mươi đồng Thầu được lời 30 đồng .

       Vì người Hoa thời đó ít người đọc được các con số dùng trong tiếng Việt, mà dân cờ bạc người Việt cũng có nhiều người không biết chữ, Do vậy người ta kèm theo mỗi con số là một hình vẽ con vật  để ai không biết số thì xem hình thí dụ: số 35 họ vẽ con dê, số 09 họ vẽ con cá lớn, số 11 họ vẽ con cá nhỏ, số 14 vẽ con chó, số 16 vẽ con bướm, v.v...

       Trong các chiếc vé cũng vẽ như vậy. Đây chỉ là những hình vẽ vô tình, nhưng từ từ hình thành con vật số đề và trong đó con Dê  có số 35 và 75. Các con số trên tờ vé có 40 hình vẽ con vật đại diện như sau :

00 : trứng vịt                                     01 - 41 - 81 : con cá trắng                  02 - 42 - 82 : ốc
03 - 43 - 83 : xác chết
(con vịt)        04 - 44 - 84 : con công                       05 - 45 - 85 : con trùng
06 - 46 - 86 : con cọp                      07 - 47 - 87 : con heo                         08 - 48 - 88 : con thỏ

09 - 49 - 89 : con trâu                     10 - 50 - 90 : con rồng nằm                11 - 51 - 91 : con chó
12 - 52 - 92 : con ngựa                    13 - 53 - 93 : con voi                          14 - 54 - 94 : con mèo nhà
15 - 55 - 95 : con chuột                  16 - 56 - 96 : con ong                          17 - 57 - 97 : con hạc
18 - 58 - 98 : con mèo rừng            19 - 59 - 99 : con bướm                        20 - 60 : con rết (con rít)
21 - 61 : con đĩ  (cô gái lả lơi)        22 - 62 : bồ câu                                    23 - 63 : con khỉ
24 - 64 : con ếch                              25 - 65 : con ó                                      26 - 66 : rồng bay
27 - 67 : con rùa                              28 - 68 : con gà                                     29 - 69 : con lươn
30 - 70 : con cá đen                        31 - 71 : con tôm                                  32 - 72 : con rắn
33 - 73 : con nhện                           34 - 74 : con nai                                   35 - 75 : con dê
36 - 76 : bà vải                                 37 - 77 : ông trời                                  38 - 78 : ông địa
39 - 79 : thần tài                              40 - 80 : ông táo

 

      Như vậy chúng ta thấy con Dê là số 35  trong con vật số đề  còn số 75 thì người ta cho là dê cụ dê già.

NHỮNG VỊ THUỐC MANG TÊN DÊ, DƯƠNG, MÙI.

Cà dái dê:  hay cà tím. Quả dài lòng thòng với hình dáng như tinh hoàn dê dực nên có tên Cà dái dê. Dân gian cho là  ăn cà dái dê bị nhức mỏị rất đúng, đó là ăn quả cà còn xanh non nên nhiều solanin ; lượng solanin giảm khi chín. Cà dái dê nướng có mùi thơm hấp dẫn do solanin. Theo Đông y, cà dái dê có tính mát gan, thông mật, nhuận tràng, thông tiểu, điều hoà tiêu hoá. Thức ăn thường là nướng, xào mỡ, , xào thịt… Khi ăn cà dái dê nên ăn cả vỏ vì villantine ở vỏ quả có tính chống oxy-hoá.

Dương đề : Còn có tên  Chút chít, Lưỡi bò -  Chút chít có vị đắng, tính lạnh, có tác dụng thanh nhiệt, thông đại tiện, sát trùng. Lá và rễ nấu lên dùng tắm ghẻ. Còn dùng uống để làm thuốc nhuận tràng và chữa lở ngứa, mụn nhọt. Lá non làm rau ăn được như rau nghể.

Tỏa dương : Còn có tên là củ gió đất, củ ngọt núi, hoa đất, cây không lá, xà cô, là loại cây có hình dạng như cây nấm, màu đỏ nâu sẫm. Tỏa dương thường được dùng làm thuốc bổ máu, bổ thận, kích thích ăn ngon miệng, chữa nhức mỏi chân tay, chữa đau lưng mỏi gối, di tinh, liệt dương, phục hồi sức khỏe cho phụ nữ sau khi sinh,...

 Dâm dương hoắc:  Còn có tên Cương tiền , Tiên linh tỳ , Tam chi cửu diệp thảo, Phỏng trượng thảo, Khí trượng thảo, Thiên lưỡng kim, Ngưu giác hoa, Đồng ty ,Theo tài liệu cổ dâm dương hoắc có vị cay, tính ôn, vào hai kinh can và thận, có tác dụng bổ can thận mạnh gân cốt, trợ dương ích tinh, khử phong thắng thấp.Thường dùng làm thuốc bổ can thận , mạnh gân cốt, chống liệt dương, giúp sự giao cấu, ít tinh dịch..

Tây dương sâm: là loại sâm mọc ở Mỹ, Canada, Pháp, còn được gọi là dương sâm, tây sâm, Hoa Kỳ sâm . Theo y học cổ truyền, tây dương sâm cũng công hiệu tương tự như nhân sâm nhưng không bổ bằng. Tây dương sâm có ưu thế về bổ dưỡng phế âm, thanh hư hỏa, dưỡng vị sinh tân nên đặc biệt thích hợp trong mùa hè, khi thời tiết nóng nực.

Dương địa hoàng: Còn có tên: Dương đại hoàng, Mao địa hoàng, Theo y học  nó có tác dụng làm cho tim hưng phấn, cường tim, tăng thêm sức co bóp của tim và làm cho tim đập dịu; còn có tác dụng lợi tiểu. Với liều cao, nó gây độc mạnh. Làm thuốc điều hoà hoạt động của tim và làm thuốc trị phù thũng toàn thân. Dùng ngoài làm cho vết thương chóng lành.

Dương cam cúc:  Có tác dụng tiêu viêm và khử trùng, dùng chữa các rối loạn của dạ dày, kèm theo đau, chữa trướng bụng, khó tiêu hoá, trị tiêu chảy và buồn nôn. chống các viêm nhiễm đường tiết niệu và trị chứng thống kinh. Dùng ngoài, hãm và rửa hoặc dùng bột để trị các vết thương lâu lành, trị các bệnh về da như zona, đinh nhọt, phát ban, trĩ, chống các viêm nhiễm ở miệng,

Cây Sừng dê : Còn có tên Sừng bò. có vị đắng, tính hàn, rất độc; có tác dụng cường tâm, tiêu thũng, chỉ dượng, sát trùng khư phong thấp, thông kinh lạc. dùng trị đau phong thấp, trẻ em bị di chứng bại liệt, mụn nhọt ngứa lở, rắn độc cắn, chấn thương, và gãy xương. Cành lá tươi có thể dùng trong nông nghiệp làm thuốc diệt côn trùng và giòi. Dân gian thường dùng chất nhựa để bôi các vết mụn hắc lào ngoan cố. Nhưng nhựa này có độc, nhỡ ăn phải bị chết người, vào mắt có thể bị mù; khi dùng phải cẩn thận.

Mùi tàu:  Rau mùi tàu, Ngò tàu, Ngò gai

       Mùi tàu có vị hơi đắng, cay, tính ấm, có mùi thơm; có tác dụng sơ phong thanh nhiệt, kiện tỳ, hành khí, tiêu thũng, giảm đau. Công dụng: giúp khai vị, ăn ngon, dể tiêu thức ăn, giải độc chất tanh. Có thể ăn sống hay nấu chín. Toàn cây được dùng làm thuốc trị: Cảm mạo đau tức ngực, rối loạn tiêu hoá. Dùng ngoài, giã nát đắp trị các vết thương và rắn cắn. Phụ nữ thường dùng phối hợp với Bồ kết để gội đầu cho thơm tóc.

Tác dụng chữa bệnh của dê  

      Theo y học cổ truyền, hầu hết các bộ phận của dê (cả dê rừng và dê nhà) như thịt, xương, nội tạng... đều có thể dùng làm thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm từ loài gia súc này đều có tính ấm, nóng nên những người có thể chất thiên nhiệt, người bị sốt do cảm mạo không nên dùng.Sau đây là tác dụng chữa bệnh của dê:

1. Thịt dê (dương nhục)

      Vị ngọt, tính ấm, có công dụng bổ huyết, ích khí, ôn trung, ấm thận: chữa các chứng thiếu máu, gầy yếu, suy nhược cơ thể, chán ăn, đau bụng do hư hàn hoặc suy giảm khả năng tình dục do thận dương hư.

2. Gan dê (dương can)

      Vị ngọt, tính bình, có công dung bổ huyết, ích can và làm sáng mắt.chủ trị: Suy nhược cơ thể, chóng mặt, thị lực giảm sút do can huyết hư Can hoả vượng :     

3. Thận dê (dương thận)

      Vị ngọt, tính bình, có công dụng bổ thận khí, ích tinh tuỷ, được dùng chữa các bệnh sau: Liệt  dương, xuất tinh sớm, gầy yếu, suy nhược, tai ù , di tinh, hậu sản hư lãnh, đau lưng mạn tính.

4. Tinh hoàn dê (dương thạch tử)

      Vị ngọt mặn, tính bình, có công dụng bổ thận tráng dương, ích tinh: Chữa đau lưng do thận ư, di tinh, liệt dương, khí hư, tiểu đường.

5. Dạ dày dê (dương đỗ)

     Vị ngọt, tính ấm, có công dụng bổ hư, kiện kỳ, ích vị: Chữa viêm đại tràng và viêm dạ dày mạn tính thể tỳ vị hư hàn, chữa cảm mạo, ra nhiều mồ hôi

6. Phổi dê (dương phế)

     Vị ngọt, tính ấm có công dụng bổ phế khí, điều thuỷ đạo, được dùng chữa các bệnh sau: Ho kéo dài do phế hư, tiểu tiện bất lợi, bổ phổi, phòng polyp mũi:

7. Xương dê (dương cốt)

     Vị ngọt, tính ấm, có công dụng bổ thận, cường gân cốt: Chữa phong thấp, gầy yếu do lao lực, đầu choáng, mắt hoa, đau lưng mạn tính. Bồi dưỡng cho trẻ chậm lớn

8. Tiết dê (dương huyết)

      Vị mặn, tính bình, có công dụng chỉ huyết, khứ ứ: Chữa thổ huyết, chảy máu cam, chữa xuất huyết, cầm máu vết thương

    Ngoài ra, các bộ phận khác của dê cũng được dùng làm thuốc, chẳng hạn như:

Tim: Bổ tâm, giải uất, chữa chứng đau tức, hồi hộp, đánh trống ngực.

- Tuỵ: Nhuận phế, chỉ đới, chữa ho kinh niên và khí hư.

- Bàng quang: Chữa di niệu.

- Tuyến giáp trạng: Chữa chứng khí anh (bụng đầy tức, họng như có dị vật, khạc không được, nuốt không trôi).

Da: Ích khí, bổ hư, làm ấm tỳ vị, chữa chứng hư lao, lưng đau gối mỏi, sản hậu hư lãnh.

- Sữa: Nhuận táo, bổ hư, trị các chứng suy nhược cơ thể, tiểu đường, loét miệng.

- Mật: Thanh hoả, giải độc, chữa đau mắt đỏ, thổ huyết do lao, viêm họng cấp tính, hoàng đản, táo bón, viêm loét da do nhiễm độc.

- Mỡ: Bổ hư, nhuận táo, hoá độc, chữa khô da, nhọt độc.

        Dê đực có sức mạnh về sinh lý, thừa sức sống phục vụ cho một đàn dê cái, 100 dê cái chỉ cần 4 dê đực. Mỗi ngày một con đực làm "nhiệm vụ" trên 5 lần, nhưng vẫn khoẻ chạy nhảy! Dê cái cho sữa đầy dinh dưỡng ngon và bổ. Nói chung dê cung cấp nguồn thực phẩm dồi giàu. 

        Dân gian hay châm biếm về Dê, thật ra con dê dễ thương chứ không đáng ghét như mọi người đã có thành kiến từ lâu. Hơn nữa Dê là đề tài vui nhộn  khi có tiệc tùng đình đám, Có nhiều mẫu chuyện kể hài hước về Dê đem lại sự vui vẻ cho mọi người, làm cởi mở tình cảm thân thiện, gắn bó tình làng nghĩa xóm.

       Năm Ất Mùi 2015. Con Dê vốn ngoan ngoãn, hiền lành, có sức sống mãnh liệt  vừa sung mãn.vừa có thịt ngon, sữa tốt, lại đem đến niềm vui cho nhà nhà . Theo quan niệm của người Á Đông biểu tượng Tam dương khai thái” (3 con dê đứng 3 tư thế) là quẻ Địa Thiên Thái Trong kinh dịch, ý của quẻ là “hết cơn bỉ cực, tới hồi thái lai”   tượng trưng cho sự khó khăn đã qua rồi nhất định năm Ất Mùi sẽ là năm sung túc, thịnh vượng, dân giàu nước mạnh, Tổ quốc quang vinh.