ỔI

( PSIDIUM GUAJAVA )

                                         Mô tả cây : Cây nhở cao 5-10m, vỏ nhẵn, mỏng, khi già bong từng mảng lớn,

 cành non vuông, có nhiều lông mềm, về sau hình trụ và nhẵn. Lá mọc đối, thuôn hay hình trái xoan, gốc tù hay gần tròn, gân lá nổi rỏ ở mặt dưới. Hoa trắng , mọc đơn độc hay tập trung 2-3 cái thành cụm ở nách lá. Quả mang hình cầu, chứa rất nhiều hạt hình bầu dục. Ðài hoa tồn tại trên quả.

  Thành phần hoá học : Lá ổi chứa tinh dầu trong đó có dl-limonen, còn có sitosterol, acid maslinic, acid guijavalic. Trong lá ổi non và búp non còn có 7-10% tanin pyrogalic, khoảng 3% nhựa. Nhựa cây ổi chứa acid d-galactilronic và l-arabinose. Cây, quả ổi có pectin, vitamin C. Trong hạt có hàm lượng tinh dầu cao hơn trong lá. Vỏ thân chứa acid ellagic.

Tính vị, tác dụng : Ổi có vị ngọt và chát, tính bình, có tác dụng cầm ỉa chảy, tiêu viêm, cầm máu. Vỏ ổi cũng có vị chát, lá cũng vậy. Do nó có nhiều chất tanin nên nó làm săn nêm mạc ruột, làm giảm tiết dịch ruột, giảm nhu động ruột, còn có tác dụng kháng khuẩn.

Công dụng : Thường được dùng trị viêm ruột cấp và mạn, kiết lỵ, trẻ em khó tiêu hoá. Dùng từ 15-30g dạng thuốc sắc.

       Lá tươi cũng được khi bị chấn thương bầm dập, vết thương chảy máu và  vết loét. Nhân dân thường dùng lá và quả ổi chữa ỉa chảy và đau bụng đi ngoài. Lá, búp ổi non còn được dùng chữa bệnh zona.

     Ở Ấn Ðộ. Người ta dùng vỏ rể chữa ỉa chảy ở trẻ em, quả làm thuốc nhuận tràng, lá dùng trị vết thương và loét, nước sắc lá dùng cầm dịch tả, nôn mửa và ỉa chảy.