Bảo vệ sức khỏe bằng gối thuốc

Việc chọn gối thích hợp có vai trò quan trọng trong việc tạo giấc ngủ ngon.

Gần 3.000 năm trước, các đạo sĩ Trung Quốc đã biết chế tạo những chiếc gối có tác dụng dưỡng sinh, gọi là dược chẩm. Việc chọn thuốc cho vào gối tùy thuộc vào mục đích chữa bệnh. Ví dụ, người suy nhược thần kinh, khó ngủ nên dùng bã chè; người can dương, hỏa vượng nên dùng vỏ đậu xanh.

Tương truyền, có lần Hán Vũ đế gặp một ông lão râu tóc bạc phơ mà dáng vóc tráng kiện như trai trẻ, ngỡ là đạo nhân có phép thuật, bèn hỏi về phép dưỡng sinh. Ông lão thưa: "Thần năm nay 120 tuổi; lúc 85 tuổi thì tóc răng rụng hết, suy nhược, sắp chết. Một hôm, có vị đạo sĩ đi qua dạy cho cách nghiền bạch truật thành bột rồi cho vào gối để nằm ngủ, lại chỉ ăn bột bạch truật chứ không dùng thức khác. Thần làm theo, qua 100 ngày trở nên khỏe mạnh, mắt sáng tai thính, tóc răng mọc lại, da dẻ hồng hào". Hán Vũ đế nghe xong liền sai ghi lại lời ông cụ để truyền cho mọi người làm theo.

Tuy có nhiều chi tiết khó tin nhưng câu chuyện trên cho thấy, người Trung Quốc đã sớm biết đến tầm quan trọng của chiếc gối đối với sức khỏe; và việc dồn các loại thuốc thích hợp vào gối sẽ có nhiều tác dụng tốt. Sau đây là một số loại gối thuốc dễ làm, mang lại hiệu quả cao:

- Gối thông thảo: Có công dụng giúp dễ ngủ, sáng mắt, thanh tâm, trừ phiền, rất thích hợp với những người bị đau mắt do âm hư, hỏa vượng hoặc mất ngủ do thần kinh suy nhược.

Cách làm: Thông thảo cắt nhỏ, cho vào lớp túi trong của gối, số lượng vừa đủ để gối có độ cao thích hợp (theo Dưỡng sinh tùy bút của Tào Đình Đống).

- Gối khử phong, tỉnh não: Có công dụng an thần, làm nhẹ đầu, chữa mắt nhiều dử, váng đầu, hoa mắt.

Cách làm: Đậu đen 200 g, phòng phong, thông thảo, cúc hoa, kinh tử, thạch xương bồ, cảo bản, mỗi thứ 10 g; xuyên khung, tế tân, bạch truật mỗi thứ 8 g; sừng trâu, sừng dê mỗi thứ 4 g. Tất cả nghiền thành bột, bọc vào vải lụa màu xanh cho thật chặt, tạo thành hình cái gối. Bỏ gối vào hộp gỗ đóng kín, khi nằm mới lấy ra dùng. Lâu ngày nên thêm thuốc theo tỷ lệ trên (theo Bảo sinh yếu lục của Bồ Kiến Quán).

Lương y Lương Đình Toản, Khoa Học & Đời Sống