Chữa bệnh bằng cây diếp cá

      Để chữa kinh nguyệt không đều, có thể lấy lá diếp cá tươi 30 g (hoặc khô 12 g) sắc uống hằng ngày. Còn nếu bị mụn nhọt sưng đỏ, nên dùng lá diếp cá ăn sống, đồng thời lấy 1 nắm lá giã nát, đắp vào chỗ tổn thương.

Theo y học cổ truyền, diếp cá vị cay, hơi tanh, tính mát, có tác dụng tán nhiệt, lợi tiểu, tiêu thũng. Cách dùng khá đa dạng: ăn sống, sắc nước uống hay giã nát để đắp ngoài.

Sau đây là một số bài thuốc từ diếp cá:

- Viêm phế quản: Lá diếp cá, cam thảo đất mỗi thứ 20 g, sắc đặc, uống dần trong ngày.

- Đau mắt đỏ: Lá diếp cá rửa thật sạch, giã nhỏ, bọc vào giữa 2 lớp giấy bản hoặc gạc sạch, đắp lên mắt khi đi ngủ.

- Ho gà: Lá diếp cá tươi 50 g, nấu đặc uống thay chè trong 5-10 ngày liền.

- Sởi mới phát: Lá diếp cá vò nát, thêm nước, vắt lấy nước cốt cho uống.

- Sốt xuất huyết: Lá diếp cá, lá rau ngót, cỏ mực mỗi thứ 100 g, sắc uống.

- Sốt rét: Lá diếp cá (thường dùng loại tía) 2 nắm giã nhỏ, dùng lụa bọc lại, xát khắp người vào lúc sắp lên cơn sốt rét, nếu ngủ được và ra mồ hôi thì đỡ.

- Viêm phổi, viêm ruột, lỵ, viêm thận, phù thũng: Lá diếp cá 50 g sắc uống hằng ngày.

- Viêm tuyến vú: Lá diếp cá, lá cải trời mỗi thứ một nắm nhỏ khoảng 30 g. Cả hai vị đem giã nát hoặc xay sinh tố, chế thêm nước, lọc uống. Bã còn lại chưng với dấm, đắp lên vú.

- Lòi dom: Lá diếp cá giã nát, đặt lên lá chuối tươi rồi ngồi lên hoặc băng rịt lại.

- Trĩ: Hằng ngày ăn sống diếp cá, ngoài ra có thể dùng lá diếp cá nấu nước để xông, ngâm, rửa lúc thuốc còn nóng. Bã còn lại rịt vào hậu môn.

- Viêm tai giữa: Lá diếp cá khô 20 g, táo đỏ 10 quả. Cho 600 ml nước, sắc còn 200 ml, chia uống 3 lần trong ngày.

BS Quách Tuấn Vinh