Cá chép có tác dụng bồi bổ cơ thể. |
Sau tai nạn, các bệnh nhân chấn thương sọ não (bao gồm cả chấn động não, dập não và tụ máu nội sọ) thường lâm vào tình trạng suy nhược thần kinh với các biểu hiện đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, mất ngủ, trí nhớ giảm sút... Y học cổ truyền cho đây là chứng khí huyết bất túc, đàm ứ lưu trở, não tủy thất dưỡng. Nguyên tắc điều trị là phải hóa ứ khứ đàm, bổ khí dưỡng huyết, tư thận ích tủy; cụ thể là kết hợp dùng thuốc, châm cứu, xoa bóp và tập luyện khí công dưỡng sinh... Trong đó, việc sử dụng các món ăn bài thuốc cũng có vai trò quan trọng để hỗ trợ điều trị.
Sau đây là một số món ăn bài thuốc cụ thể:
- Chim bồ câu 1 con làm sạch, bỏ ruột, long nhãn, long vải, hạt sen, rượu vang mỗi thứ 10 g, kỷ tử 5 g, đường phèn 15 g. Tất cả hầm thật nhừ, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần. Thuốc có công dụng bổ ngũ tạng, an thần, ích trí, dùng cho người suy nhược cơ thể, hay đau đầu, mất ngủ, trí nhớ giảm sút sau chấn thương sọ não.
- Đầu cá chép 1 cái, bạch chỉ 6 g, đường đỏ 20 g. Tất cả đem hầm nhừ, lấy nước uống. Dùng cho người tâm thần bất an, hay đau đầu, chóng mặt sau chấn thương sọ não.
- Gà nhỏ (chừng 750 g) 1 con, đông trùng hạ thảo 9 g, ngũ vị tử 9 g, kỷ tử 15 g, long nhãn 15 g, hoài sơn 30 g, biển đậu 30 g. Tất cả làm sạch, đem hầm nhừ, chế đủ gia vị, chia ăn vài lần trong ngày. Dùng cho những người cơ thể quá suy nhược, chậm phục hồi sức khỏe sau chấn thương.
- Nho tươi 500 g rửa sạch, ép lấy nước cốt; bã đem sắc kỹ lấy nước rồi hòa lẫn hai thứ nước với nhau, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 100 ml. Thuốc có công dụng bổ hư, dưỡng tâm, an thần, dùng cho các trường hợp bị suy nhược thần kinh sau chấn thương sọ não.
Lưu ý: Bệnh nhân nên tránh các chất kích thích (như cà phê, trà đặc, rượu, bia, thuốc lá) và các thức ăn khó tiêu.
ThS Hoàng Khánh Toàn, Sức Khỏe & Đời Sống