Trứng gà giúp bồi bổ cơ thể. |
Các nguyên nhân gây ra "trạng thái thiếu" bao gồm:
1. Bẩm thụ tiên thiên bất túc: Nghĩa là từ nhỏ đã hư yếu toàn thân hoặc một bộ phận nào đó; khi trưởng thành mặc dù không có bệnh nhưng vẫn rất cần bồi bổ thường xuyên.
Thể chất và khí chất mỗi người thường thiên lệch về một mặt nào đó (thiên âm hoặc thiên dương, thiên hàn hoặc thiên nhiệt...). Sự thiên lệch nếu thuộc hư thì phải bồi bổ cho đầy đủ, thuộc thực thì phải bỏ bớt đi để tránh thái quá. Bởi thế, những người thiên hư dù vô bệnh vẫn phải bồi bổ.
2. Sự tiêu hao không ngừng để duy trì sự sống của cơ thể: Quá trình này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp, tình trạng dinh dưỡng, môi trường... Từ 40 tuổi trở đi, âm khí trong cơ thể đã hao đi một nửa. Vì vậy:
- Nữ giới phần huyết dễ hư, nam giới phần khí dễ hư.
- Người béo bệu dương khí dễ hư, người gầy khô âm huyết dễ hư.
- Người sống ở xứ nóng dễ hao tổn phần âm, người sống ở xứ lạnh dễ hao tổn phần dương.
Người xưa có câu "xuân hạ dưỡng dương, thu đông dưỡng âm", nghĩa là mùa xuân và mùa hạ cần chú ý bổ dưỡng phần dương, mùa thu và mùa đông cần chú ý bổ dương phần âm...
3. Nhu cầu bổ chính khí (thường xuyên nâng cao sức đề kháng để phòng chống bệnh tật): Điều này đặc biệt quan trọng đối với trẻ em, người già, phụ nữ sau khi sinh con, người mới ốm dậy. Những đối tượng này tuy vô bệnh nhưng khí huyết và sự cân bằng âm dương dễ bị rối loạn, khả năng chống đỡ bệnh tật hạn chế. Họ rất cần bồi bổ để nâng cao chính khí vì: "chính khí tồn nội, tà bất khả can" (nghĩa là sức đề kháng sung mãn thì các tác nhân gây bệnh không thể xâm nhập).
4. Nhu cầu phát triển của cơ thể: Điều này đặc biệt quan trọng đối với lứa tuổi vị thành niên, phụ nữ có thai và đang cho con bú. Những đối tượng này rất cần bồi bổ một cách toàn diện và liên tục.
5. Các nhu cầu đặc biệt khác như nâng cao hiệu suất công tác, cải thiện khả năng sinh lý, kéo dài tuổi thọ và nâng cao chất lượng cuộc sống, nhu cầu thẩm mỹ...
Xét cho cùng, theo y học cổ truyền, con người không khi nào là không phải bồi bổ. Mỗi ngày ăn cơm ba bữa chính là phương thức bồi bổ cơ bản nhất.
Những người vô bệnh khi dùng thuốc bổ Đông y cần chú ý:
- Bồi bổ bằng ăn uống trước, nếu không có hiệu quả mới dùng thuốc (nên trọng dụng hình thức món ăn - bài thuốc). Danh y Biển Thước từng nói: "Người làm nghề y, khi xem bệnh, biết chỗ bệnh nhân đã phạm, nên dùng thức ăn để trị bệnh, trị không khỏi hãy dùng tới thuốc". Y học cổ truyền quan niệm "dược thực đồng nguyên" (thực phẩm và dược phẩm có cùng gốc). Trong hơn 1.000 vị thuốc được ghi trong Bản thảo cương mục, có hơn 200 loại thực phẩm.
- Nếu dùng thuốc, phải có sự hướng dẫn tỉ mỉ của các thầy thuốc chuyên khoa.
ThS Hoàng Khánh Toàn, Sức Khỏe & Đời Sống