Tác dụng trị bệnh của con rết
Hỏi: Tôi thấy ở nhiều nhà thuốc Ðông y có
ngâm con rết vào rượu, nghe nói dùng để trị đau nhức và tê thấp. Xin bác sĩ cho
biết rõ hơn về tác dụng của vị thuốc này? (Nguyễn Văn H. - Ðồng Tháp)
Trả lời: Còn có tên là ngô công, thiên long, bách túc trùng, bách cước.
Tên khoa học Scolopendra morsitans L.
Thuộc họ ngô công Scolopendridae.
Ngô công là toàn con rết phơi hay sấy khô.
A. Nguồn gốc: Ta dùng con rết lớn, nhiều chân, thân dẹt, dài 7-13cm,
thường gồm chừng 20 đốt, mỗi đốt có một đôi chân. Ðốt cuối cùng 2 chân biến
thành như hai đuôi. Ðầu rết có hai râu dài, răng nhọn sắc, cắn đau và có chất
độc, vì vậy khi bắt cần chú ý. Rết đẻ trứng vào tháng 4-5, mỗi con đẻ chừng
20-30 trứng, sau ít lâu nở thành rết con, lúc đầu có màu trắng, sau lột xác
thành rết lớn màu nâu đỏ.
Rết sống hoang ở dưới những khúc gỗ mục, hòn đá, mái nhà mục nát. Hiện nhân dân
ta chỉ bắt những con sống hoang. Tại Trung Quốc, do nhu cầu lớn, người ta đã
nuôi rết để dùng trong nước và xuất khẩu. Triều Tiên cũng có nuôi dùng và xuất
khẩu rết. Chọn những con to béo là tốt.
B. Công dụng và liều dùng: Tính vị theo Ðông y: Vị cay, tính ôn, có độc,
vào kinh can. Tác dụng khử phong, trấn kinh giản, giải nọc độc của rắn. Dùng
chữa hàn nhiệt tích tụ trong bụng, trụy thai, trừ ác huyết, trị sang nhọt. Tại
một đơn vị quân y (1959) có báo cáo dùng rượu rết bôi lên các mụn nhọt đau nhức
rất chóng khỏi (Hội nghị dược chính quân y năm 1960).
Theo các tài liệu cổ và thực tế sử dụng trong nhân dân con rết dùng chữa các
bệnh sau đây:
1. Chữa sang trĩ đau nhức: Rết bỏ đầu, chân, sấy khô, tán nhỏ, hòa ít long não,
thêm ít nước hay rượu bôi lên.
2. Kinh nghiệm của quân y: Rượu rết (cả con cho vào rượu 90o) bôi lên mụn nhọt.
3. Bắt 6 con rết cho vào lọ, đổ dầu vừng vào ngâm vài tháng. Lấy bông thấm thuốc
này bôi lên các mụn nhọt, chỗ bị sâu, trùng độc cắn sẽ hết đau.
4. Rết sấy khô, bỏ đầu và chân, tán nhỏ, trộn với lượng tương đương bột cam thảo
và thêm nước hồ làm thành viên.
Ngày uống 0,5g viên chia làm 3 lần, dùng chữa tê liệt thần kinh mặt, đau nhức,
tê thấp, trẻ con cấm khẩu không bú được.
- Cần chú ý nghiên cứu thêm.
GS. Tất Lợi