CƯỜNG GIÁP - BAZEDOW

Anh Lựu, Bướu Cổ Lồi Mắt,

( - Hyperthyroidie, Maladie de Basedow)

Đại Cương

Là một bệnh Cường giáp là một bệnh rối loạn nội tiết thường gặp, gây ra do sự mất điều chỉnh giữa hai tuyến nội tiết: Tuyến yên và Tuyến giáp trạng. Bệnh do yếu tố phản ứng tự miễn của cơ thể gây nên sự tăng tiết của tế bào tuyến giáp mà sinh bệnh.

Bình thường tuyến giáp bài tiết ra Thyroxin dưới sự kích thích của tuyến yên. Thyroxin là do Iod kết hợp với Globulin có vai trò quan trọng trong việc phát dục và chuyển hoá chung.

Bệnh cường tuyến giáp là bệnh cường chức năng đó, tuyến giáp trạng to lên toàn bộ, có một hạt bướu ác tính khu trú hoặc bệnh phát triển trên một bướu cổ cũ.

Đa số kèm theo to tuyến giáp, một số ít phát bệnh sau một chấn thương tinh thần mạnh, nhất là tuổi trung niên từ 30 đến 45 tuổi, nữ mắc bệnh nhiều hơn nam, tỷ lệ mắc bệnh nam: nữ là 1:4. Bệnh nhân thường tính tình dễ nóng nảy, hồi hộp, nhiều mồ hôi, dễ đói, người gầy sụt cân, ngón tay run giật, tuyến giáp to, mắt lồi...

Thường gặp nhất là Tuyến giáp viêm mạn kèm cường giáp (bệnh Grave).

Bệnh cường giáp có liên hệ với chứng ‘Can Hỏa’, ‘Anh Lựu’ của Đông y.

Nguyên nhân gây bệnh

Theo YHHĐ:

Có một số yếu tố thuận lợi dẫn đến tăng năng tuyến giáp như sau:

. Cường nội tiết sinh dục nữ (tăng Folliculine).

. Trạng thái thần kinh (Cơ địa).

. Chấn thương tinh thần (Stress).

. Yếu tố gia đình.

. Các bệnh nhiễm khuẩn (tuyến giáp viêm, thương hàn, cúm...).

. Nhiễm độc Thủy ngân, tinh chất tuyến giáp...

Theo YHCT

Chứng Anh Lựu phát sinh có liên quan đến sự rối loạn tình chí. âm dương chính khí kết thũng , ngũ tạng ứ huyết, trọc khí đàm trệ mà sinh ra,nguyên chủ yếu của bệnh là do khí uất, đàm kết, huyết ứ, hỏa uất, âm hư gây nên.

Có thể phân tích nguyên nhân bệnh lý như sau:

- Khí uất: chủ yếu là can khí uất trệ  do vui giận thất thường, ưu tư quá độ mà sinh bệnh. Triệu chứng lâm sàng thường có: bệnh nhân bứt rứt, dễ cáu gắt, lo lắng nhiều.

- Đàm kết: do khí trệ lâu ngày sinh ra, triệu chứng của đàm kết là tuyến giáp sưng to mức độ khác nhau và mắt lồi.

- Huyết ứ: do khí trệ đàm kết cũng gây tắc mạch, huyết ứ triệu chứng chủ yếu là đau ngực, phụ nữ tắt kinh, mạch Kết, Đại.

- Hỏa uất xông lên cũng do khí trệ đàm kết gây nên, triệu chứng là phiền nhiệt (nóng nảy bứt rứt, hồi hộp, mau đói, nhiều mồ hôi, mặt nóng đỏ, rêu vàng, mạch Sác.

- Âm hư: do uất nhiệt lâu ngày làm tổn thương chân âm có những triệu chứng như người gầy nóng, tay run, sốt nhẹ, miệng khô, nam liệt dương, nữ thì tắt kinh, lưỡi thon đỏ, ít rêu mạch Tế Sác.

Triệu Chứng Lâm Sàng:

Triệu chứng chung

+ Rối loạn tuyến giáp trạng:

. Gầy nhanh và toàn thể, nhất là trong những đợt tiến triển sút 2-3 kg trong tuần dù ăn nhiều.

. Nhịp tim thường nhanh (Nhịp tim nhanh trên 100/phút thường xuyên là triệu chứng không thể thiếu được.

+ Rối loạn tuyến yên:

. Lồi mắt: cả hai bên, mắt hơi lồi hoặc lồi nhiều rõ rệt. Nhìn xuống, mi mắt trên không che kín tròng trắng.

. Run tay: thường run ở các đầu ngón tay và bàn tay, run đều, độ run nhẹ, run tăng khi bị xúc động, sợ hãi.

. Thay đổi tính tình: dễ xúc cảm, khó ngủ, rối loạn tính tình, rối loạn kinh nguyệt.

. Tuyến giáp trạng to.

Trừ một số ít bệnh nhân do chấn thương tinh thần hoặc do nhiễm khuẩn tuyến giáp nên bệnh phát đột ngột, đa số bệnh phát từ từ, lâm sàng triệu chứng nặng nhẹ rất khác nhau, có thể phân làm 4 thể bệnh: nhẹ, nặng, chứng nguy và biến chứng.

1. Chứng nhẹ: Thường là giai đoạn bệnh mới mắc, bệnh nhân thường bứt rứt, tính tình dễ nóng nảy, mệt mỏi, tim hồi hộp, đánh trống ngực, sụt cân, chất lưỡi đỏ, rêu mỏng trắng hoặc hơi vàng, mạch Huyền Tế Sác.

2. Chứng nặng: Xuất hiện các triệu chứng điển hình của bệnh, ngoài những triệu chứng chủ quan trên đây nặng hơn, thường có sốt nhẹ, nhiều mồ hôi, mau đói, ăn nhiều, nam liệt dương, nữ thì tắt kinh, sút cân nhiều hơn, mặt đỏ ửng, ngón tay run, tuyến giáp to, mắt lồi, chất lưỡi đỏ, ít rêu hoặc rêu vàng mỏng, mạch Tế Sác hoặc Kết Đại.

3. Chứng nguy: Bệnh nhân sốt cao ra nhiều mồ hôi, nôn, tiêu chảy, tinh thần hoảng hốt, nói sảng, hoặc sắc mặt tái nhợt, chân tay lạnh, tinh thần uể oải, mạch Vi Tế khó bắt, huyết áp hạ, có thể có vàng da.

4. Biến chứng: Bệnh cường tuyến giáp là một bệnh nặng, tiến triển bất ngờ, từng đợt, nếu không điều trị, bệnh dẫn đến:

+ Đau ngực: Đánh trống ngực hồi hộp, tức ngực, khó thở, vùng trước tim đau.

+ Cơ bắp yếu mềm, đi lại khó khăn do kali máu hạ..

+ Suy tim: báo hiệu bằng những cơn nhịp tim nhanh, kịch phát, sau đó loạn nhịp tim hoàn toàn rồi to tim toàn bộ.

+ Suy mòn: người gầy đét rồi chết.

+ Nếu được điều trị kịp thời, bệnh có thể ổn định, bịnh nhân lên cân, ngủ được, nhịp tim trở lại bình thường, kinh nguyệt đều.

Chẩn đoán: chủ yếu Căn cứ vào:

1. Triệu chứng lâm sàng: có 4 loại triệu chứng chính:

. Tuyến giáp to vừa, lan tỏa hay có nhân.

- Triệu chứng rối loạn chức năng thần kinh tinh thần: Bứt rứt dễ cáu gắt, đau đầu, mất ngủ, kém tập trung.

Rối loạn vận động như run tay, động tác không tự chủ, thân nhiệt tăng, mồ hôi ra nhiều.

- Rối loạn tuần hoàn và tim mạch: tim nhịp nhanh hoặc nhịp tim không đều, có tiếng thổi, tăng huyết áp kỳ tâm thu, giảm huyết áp kỳ tâm trương.

- Mắt lồi, dấu hiệu Graph (+).

2. Trường hợp triệu chứng lâm sàng không điển hình, thường ở trẻ em và người cao tuổi, cần làm các xét nghiệm sau để xác định chẩn đoán:

Chuyển hóa cơ bản tăng (trị số bình thường: -10 - +10%, có thể theo công thức: Chuyển hóa cb = số mạch/ph + mạch áp - 111%.

(Mạch áp = huyết áp tâm thu - huyết áp tâm trương (tính bằng mmHg). Thí dụ: Huyết áp của ông A = 120/80 mmHg thì mạch áp của ông A = 120 - 80 = 40, và nếu mạch đập của ông A là 80 lần/phút thì chuyển hóa cơ bản = 80 + 40 - 111 = +9%).

Cholesterol máu giảm.

- Thyroxin máu cao từ 12-20mcg% (bình thường 4- 8mcg%)

Độ tập trung Iod trên 50%.

Căn cứ vào kết quả đo chuyển hóa cơ bản để đánh giá tình trạng nặng nhẹ của bệnh cường giáp thành 4 độ như sau: '

- Cường giáp độ I: chuyển hóa cơ bản = +15 - +30%, nhịp tim dưới 100 lần/phút

Cường giáp độ II: chuyển hóa cơ bản = +30 - + 60%, nhịp tim = 100 – 120 lần/phút.

- Cường giáp độ III: chuyển hóa cơ bản = trên + 60%, nhịp tim = trên 120 lần/phút.

Cường giáp độ IV: chuyển hóa cơ bản = trên + 100%, nhịp tim = trên 120 lần/phút.

(Nhịp tim phải lấy mạch lúc bệnh nhân được nghỉ ngơi đầy đủ. Bệnh độ I là bệnh nhẹ, độ II là trung bình, độ III là bệnh nặng và độ IV là rất nặng).

Điều trị:

Đông Y trị chứng cường giáp lấy biện chứng luận trị làm cơ sở nhưng phân từng loại cũng có sự khác biệt.

* Y viện Nam kinh phân thành 4 loại: Can khí uất trệ, Đờm khí giao kết, Can hỏa vượng và Tâm Can âm hư.

* Y viện Thượng Hải phân làm 3 loại: Khí trệ đờm ngưng, Can hỏa cang thịnh và Tâm Can Âm hư.

* Y viện Bắc Kinh cho rằng chứng trạng điển hình của bệnh cường giáp không xuất hiện đồng thời mà ở các giai đoạn khác nhau đều có các chứng khác nhau.

Các phương pháp phân loại của các tác giả tuy không hoàn toàn giống nhau nhưng trên cơ bản đều cho rằng diễn biến của bệnh này có các quy luật sau:

+ Mới phát: Chủ yếu là Can uất đờm kết, chữa trị nên lý khí, hóa đờm, nhuyễn kiên, tán kết.

+ Thời kỳ sau: Phần âm suy, hao tổn, chữa trị nên nhu Can, tư Thận.

Cách chung (Theo Hiện Đại Nội Khoa Trung Y Học).

+ Chứng nhẹ: Biểu hiện chủ yếu là thể can khí uất kết, đàm kết sinh hỏa gây nhiễu tâm nên phép trị chủ yếu là sơ can, thanh tâm, hóa đàm, tán kết, dùng bài Đơn Chi Tiêu Dao Tán hợp Toan Táo Nhân Thang gia giảm (Sao Sơn chi, Tri mẫu, Liên tử, Đơn bì, Ngân Sài hồ, Bạch thược, Đương qui, Toan táo nhân, Viễn chí, Tượng Bối mẫu, Hải tảo, Mẫu lệ. Có kết quả tốt thì bài thuốc chuyển làm thuốc hoàn hoặc cao tiếp tục uống trong 2 - 3 tháng. Trường hợp không khỏi chuyển sang dùng phép trị chứng nặng.

+ Chứng nặng: Biểu hiện chủ yếu là khí uất, đàm kết, táo hỏa thương âm, phép trị chủ yếu là dưỡng âm, tả hỏa, hóa đàm, tán kết, dùng bài thuốc có các vị Hạ khô thảo, Tri mẫu, Cúc hoa, Huyền sâm, Thiên hoa phấn, Côn bố, Trúc nhự, Bối mẫu, Sinh long cốt, Sinh mẫu lệ, Sinh đại hoàng sắc uống. Nếu kết quả tốt dùng trong 2 - 3 tháng chuyển sang uống thuốc hoàn để củng cố.

3) Chứng nguy: Biểu hiện chủ yếu là táo hỏa cực thịnh làm suy kiệt khí âm, cần truyền dịch hồi sức cấp cứu theo tây y, khí âm được hồi phục, chuyển sang điều trị như đối với thể nặng có kết hợp thuốc tây.

Biện chứng luận trị

l) Can khí uất trệ: Ngực sườn đau tức, bụng đầy ăn ít, rìa lưỡi đỏ, rêu vàng, mạch Huyền.

Phép trị: Sơ Can thanh nhiệt, lý khí, giải uất.

- Bài thuốc: Đơn Chi Tiêu Dao Tán gia giảm: Đơn bì, Chi tử đều 12g, Sài hồ 8g, Đương qui 16g, Bạch thược, Bạch truật, Bạch linh đều 12g, Bạc hà (cho sau), Trần bì, Hậu phác đều 10g, Gừng tươi 3 lát sắc uống.

2) Can hỏa thịnh: Bứt rứt, nóng nảy, hay cáu gắt, sắc mặt đỏ ửng, sợ nóng, miện đắng, mồ hôi ra nhiều, hoa mắt, chóng mặt, chân tay run, lưỡi đỏ, rêu mỏng vàng, mạch Huyền Sác.

Trường hợp can hỏa phạm vị, bệnh nhân mau đói, ăn nhiều.

Phép trị: Thanh can, tả hỏa.

Bài thuốc: Long Đởm Tả Can Thang Gia giảm: Long đởm thảo, Hoàng cầm, Chi tử, Thiên hoa phấn đều 12g, Sinh địa,Bạch thược đều 16g, Ngọc trúc 20g, sắc uống.

Trường hợp vị nhiệt mau đói, ăn nhiều thêm Hoàng liên, Thạch cao để tả vị nhiệt. Tính tình nóng nảy, dễ cáu gắt, mặt đỏ tay run gia Trân châu, Từ thạch, Câu đằng, Địa long để bình can, tiềm dương. Táo bón thêm Đại hoàng để thông tiện.

3) Tâm âm hư: Bứt rứt khó ngủ, hồi hộp ra mồ hôi, mệt mỏi, ngắn hơi (hụt hơi), chất lưỡi đỏ bóng, ít rêu hoặc rêu mỏng, mạch Tế Sác.

Phép trị: Dưỡng tâm, an thần, tư âm, sinh tân.

- Bài thuốc: Bổ Tâm Đơn gia giảm: Sa sâm 16g, Huyền sâm, Đơn sâm, Thiên môn, Mạch môn, Đương qui, Sinh địa, Bá tử nhân đều 12g, Ngũ vị tử 4g, Sao táo nhân 20g, Viễn chí 6g, Chu sa 1g (tán bột mịn hòa thuốc uống).

Trường hợp thận âm hư (ù tai, miệng khô, vùng thắt lưng đau, gối mỏi, thêm Nữ trinh tử, Hạn liên thảo, Quy bản, Kỷ tử để bổ thận âm.

Trường hợp âm hư hỏa vượng, thêm Tri mẫu, Hoàng bá để tư âm tả hỏa.

4- Đàm Thấp Ngưng Kết: Tuyến giáp to, ngực đầy tức, không muốn ăn, nôn, buồn nôn, tiêu lỏng, lưỡi bệu, rêu lưỡi dày, nhớt, mạch Nhu Hoạt.

Điều trị: Hóa đàm, lợi thấp, nhuyễn kiên, tán kết.

Bài thuốc: Hải Tảo Ngọc Hồ Thang gia giảm: Hải tảo, Côn bố, Hải đới đều 20 - 40g, bán hạ, Triết bối mẫu, Trạch tả, Phục linh, Đương qui đều 12g, Thanh bì 10g, Xuyên khung 6g. Trường hợp ngực tức, sườn đau thêm Xuyên luyện tử, Diên hồ sách để sơ can chỉ thống. Nếu nôn, buồn nôn, tiêu lỏng, mệt mỏi thêm Bạch truật, Ý dĩ, Biển đậu để kiện tỳ trừ thấp.

Biến Chứng

+ Đau ngực (hung tý): do can khí uất trệ, nhiệt đàm làm tắt kinh lạc. Phép trị là sơ can, thông lạc, thanh nhiệt, hóa đàm dùng các vị: Khương bán hạ, Qua lâu bì, Chỉ thực, Uất kim, Hồng hoa, Đơn sâm, Đăng tâm, sao Hoàng liên. Hết đau (hung tý được tuyên thông) tiếp tục phép trị chứng nặng, thêm thuốc hoạt huyết hóa ứ.

+ Chân tay yếu mềm: Triệu chứng của can thịnh tỳ hư, khí thoát, đàm kết, phép trị dùng thanh can, trợ tỳø hóa đàm, tán kết, dùng các vị Đơn bì, Chi tử, Thái tử sâm, Bạch truật sống, chích Hoàng kỳ, Khương bán hạ, Thanh bì, Trần bì, Xuyên ngưu tất, Tàm sa, Côn bố, có kết quả rồi tiếp tục dùng phép trị chứng nhẹ. Thời gian điều trị bằng đông y có kết quả phải từ một đến 2 năm. Cần chú ý theo dõi bệnh nhân trong quá trình điều trị nếu không kết quả phải dùng thuốc kháng giáp kết hợp.